Vovinam Việt Võ Đạo đến trên xứ Đài

Posted: Tháng Sáu 4, 2013 in Thời sự Vovinam – Việt Võ Đạo

Như những đọt sóng liên tục dồn dập như đôn thúc nhau ùa về phía trước, người học trước hướng dẫn người đến sau, dần dà môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt nhiều nơi trên thế giới và những người đi tiên phong gầy dựng võ đường, phát triển thành trung tâm huấn luyện. Phong trào tập luyện Vovinam Việt Võ Đạo lan tỏa một cách tự nhiên và hữu cơ như thế đã bấy lâu nay. Gần đây, trên đảo quốc Đài Loan xuất hiện hình ảnh những thanh niên, thiếu nữ, lẫn các thiếu nhi trong võ phục Vovinam màu trùng dương và họ đứng nghiêm lễ nhau với tất cả sự trịnh trọng. Những hình ảnh đẹp mắt ấy xuất hiện trên Facebook của một thanh niên với cái nick không thể nhầm lẫn, ghi bằng tiếng Việt: “Vovinam Đài Loan”. Không kiềm chế được óc hiếu kỳ, tôi muốn tìm hiểu Vovinam đã du nhập đến đảo quốc này thế nào. Tình tiết của câu chuyện Vovinam đến Đài Loan khá đặc biệt vì chính sức lôi cuốn của Vovinam đã tự phát tán hạt giống đầu tiên trên đảo quốc này.

VovinamClass10b

Lớp Vovinam chính quy đầu tiên tại Đài Loan

Shu-Chun Peng and Phạm Văn Tuấn’s first meeting

Shu-Chun Peng and Phạm Văn Tuấn’s first meeting

Qua Facebook, tôi nhắn một tin ngắn bằng tiếng Trung Hoa đến bạn Vovinam Đài Loan tỏ ý mong muốn được làm quen và thú nhận mình không sành tiếng Hoa. Vovinam Đài Loan hồi đáp nhanh chóng bằng Anh ngữ. Sau đó, chúng tôi đã trao đổi nhiều điều và nhờ thế tôi mới hiểu rõ hơn về con người và sự kiện của câu chuyện Vovinam đến trên xứ Đài.

Bên sau cái Facebook nick “Vovinam Đài Loan” là một thanh niên người Đài Loan rất năng động với một niềm đam mê Vovinam Việt Võ Đạo mãnh liệt. Chàng thanh niên 29 tuổi ấy là một giáo viên tại vùng Tây Cảng (Xigang) thuộc tỉnh Đài Nam (Tainan), tên Peng Shu-Chun (彭蜀鈞) tức là Bành Thục-Quân. Không xa lạ với võ thuật, anh Thục-Quân đã theo học Túc Quyền Đạo (Taekwondo) 17 năm, Hồng Gia Quyền (Trung Hoa) 14 năm, và cũng đã từng theo học Không Thủ Đạo (Karatedo) khoảng 1 năm. Mang huyền đai tam đẳng Taekwondo, anh từng là huấn luyện viên ngót 10 năm. Xuất thân từ trường Đại học Văn hóa Trung Hoa, ngành Võ thuật và Vũ thuật cổ truyền, anh Thục-Quân hiện nay là giáo viên giáo dục thể chất và dạy võ Vovinam.

Vovinam Đài Loan

Vovinam Đài Loan

Từ 2011 anh bắt đầu để ý đến môn võ Vovinam trên mạng Internet. Dù chưa từng đặt chân đến Việt Nam và chưa được tiếp cận với một huấn luyện viên hay võ sư Vovinam thực thụ nào, nhưng anh đã miệt mài tự học tập Vovinam qua Youtube video. Với vốn liếng võ thuật sẳn có và lòng đam mê võ thuật Việt Nam, anh đã hấp thụ nhanh chóng và tự trau chuốt những đòn thế đã xem từ các đoạn video. Ngoài ra, Thục-Quân còn bỏ nhiều thời gian tìm hiểu võ đạo và chuyển dịch những tài liệu kỹ thuật cũng như lý thuyết qua tiếng Hoa để chuyển tải đến môn sinh của anh. Anh tâm sự rằng, “sau khi tôi nghiên cứu Vovinam thì tôi thấy cách dạy rất bài bản và kỹ thuật khá toàn diện với đủ các kỹ năng võ thuật”. Đặc biệt anh ngưỡng mô cách phát đòn lưu loát và thực dụng của Vovinam. Anh khiêm tốn nhìn nhận rằng, “từ đó tôi cũng nhận ra rằng kiến thức võ thuật của tôi có giới hạn và thiếu nhiều mặt”. Anh vừa học hỏi và vừa bắt đầu truyền đạt Vovinam cho các em trong các trường tiểu học nơi anh dạy môn thể dục thể chất.

Nhưng câu chuyện Vovinam Đài Loan chỉ mới ở đoạn đầu của những trang sử đang được viết nên từng ngày. Anh Thục-Quân rất vui chia sẻ rằng, “Bây giờ tôi đã có người hướng dẫn nên kỹ thuật theo bài bản và chương trình rất chính thống”. Do một sự tình cờ thật hy hữu khi anh được gặp một người mà anh giới thiệu là Fan Wen Jun (范文俊). Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp và anh cho biết họ liên lạc với nhau qua Facebook và đã gặp mặt lần đầu vào cuối năm ngoái (2012) ở tại quán ăn McDonald’s. Anh Thục-Quân bộc bạch, “cuộc gặp gở này đã thay đổi toàn diện quan điểm của tôi về võ thuật”.

Người mà anh Thục-Quân nói đến là một thanh niên Việt Nam còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi, tên là Phạm Văn Tuấn (Fan Wen Jun) còn được biết với cái Facebook nick rất trẻ trung “Tình Phiêu Lãng”. Tôi liên lạc với Tuấn và anh ấy vồn vả trả lời. Được biết anh Tuấn qua Đài Loan làm việc theo diện công nhân đã hai năm rồi. Tuấn kể về hai người thầy mà anh rất kính trọng đã dạy cho anh kỹ thuật Vovinam và cấy trong anh tinh thần Việt Võ Đạo lúc còn ở quê nhà. Thầy Nguyễn Hoàng Đạo là người phát triển phong trào Vovinam tỉnh Thái Bình và là người dạy anh đầu tiên. Sau khi lên Hà Nội anh lại được theo học với thầy Lý Chiến Thắng ở khu Từ Liêm, Hà Đông, Hà Nội. Tuấn kể về hai người thầy với tất cả sự kính trọng, “cả hai người thầy rất tuyệt vời”.

Phạm văn Tuấn (dưới), Bành Thục-Quân (Trên)

Phạm văn Tuấn (dưới), Bành Thục-Quân (Trên)

Như buồm gặp gió, khí thế lồng lộng, Bành Thục-Quân và Phạm Văn Tuấn bổ sung cho nhau thật tuyệt vời. Tuy có trở ngại về ngôn ngữ, Thục-Quân chưa sành tiếng Việt và Tuấn cũng chưa sành tiếng Hoa, nhưng Thục-Quân khao khát kỹ thuật và kiến thức Vovinam, còn Tuấn thì sẳn lòng hướng dẫn vì biết mình đang góp một phần gián tiếp để phát triển môn phái trên xứ Đài. Tuấn chính là trợ thủ đắc lực của Bành Thục-Quân. Làm việc ở tỉnh Cao Hùng, mỗi chủ nhật và những khi thời gian cho phép, Tuấn đón tàu lửa đi Đài Nam, lặn lội cả 1 tiếng để đến gặp Thục-Quân. Họ tập luyện nhễ nhại nhiều giờ liền. Thục-Quân khâm phục kỹ thuật mà Tuấn truyền đạt cho anh và trân trọng mối quan hệ đặc biệt này; trong khi Tuấn cho rằng Thục-Quân là người đầy tâm huyết, nhiệt tình. Mặc dù kỹ thuật vẫn còn trong giai đoạn trui luyện, Tuấn nhận xét rằng Thục-Quân rất “ham học” và tiếp thu rất nhanh. Vả lại, điểm mạnh của Thục-Quân là khả năng quản trị và ngoại giao rất tốt.

Với vốn kỹ thuật căn bản khá vững vàng, Thục-Quân đã bắt đầu mạnh dạn mở những lớp chính quy tại Đài Nam. Ngoài những lớp ở các trường tiểu học lúc ban đầu, lớp Vovinam đầu tiên tập luyện thường xuyên tại trường Trung học cơ sở cấp 2 Tây Cảng với 12 môn sinh đầu tiên. Anh nhận được sự ủng hộ của nhiều thầy cô, bạn bè và giới phụ huynh. Tuy nhiên không phải lúc nào đường đi cũng suôn sẻ, trở lực đến từ vài người còn xa lạ với môn phái Vovinam Việt Võ Đạo nhưng anh không hề thoái chí. Thục-Quân đã thành lập hội Việt Võ Đạo Đài Loan và dự kiến sẽ mở thêm nhiều lớp trong tương lai, không những chỉ ở địa phương mà có kế hoạch phát triển ở Đài Bắc (Taipei) và khắp các vùng khác trên đảo quốc Đài Loan. Thục-Quân dự kiến sẽ đến thăm và học tập tại Việt Nam trong năm tới và ước ao trong tương lai được dịp chu du khắp nơi để thăm đồng môn quốc tế trên từng quốc gia mà anh đã “gặp gở” trên Facebook.

Hướng dẫn

Hướng dẫn

Câu chuyện Vovinam Đài Loan đặc biệt thú vị vì Vovinam Việt Võ Đạo đã trở nên một thứ sức mạnh mềm (soft power), chỉ qua Internet mà có khả năng chinh phục một huấn luyện viên võ thuật có bề dày kinh nghiệm từ các luồng võ thuật nổi tiếng khác trên thế giới. Bành Thục-Quân đã gầy dựng và phát triển Vovinam Việt Võ Đạo trên đảo quốc vốn đã có một nền võ học Trung Hoa, Nhật Bản, vaf Đại Hàn rất phong phú. Từ mối quan hệ hy hữu này, Bành Thục-Quân và Phạm Văn Tuấn đã cấy những hạt giống Việt Võ Đạo đầu tiên và những hạt giống tốt đang nẫy mầm trên đất Đài Loan.

Hoài Nam

Bình luận về bài viết này